Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội và Học Viện Quân Y đã phát hiện cao chiết lá xạ đen có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa cao.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng và đang ở mức đáng báo động trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ung thư là một bệnh lý ác tính của tế bào. Khi có các tác nhân gây ung thư, các tế bào tăng sinh không kiểm soát được, có khả năng xâm lấn và di căn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư. Có thể kể đến là yếu tố ngoại sinh như các tia phóng xạ, bức xạ tử ngoại, virus, các chất hóa học độc hại trong môi trường, trong thực phẩm,… và yếu tố nội sinh như hormon, gen di truyền,….
Việc điều trị ung thư được tiến hành bằng các phương pháp đặc trưng như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị,… Tuy nhiên chi phí rất lớn, có thể trở thành gánh nặng cho một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên ngày nay xu hướng trong điều trị bệnh ung thư là sử dụng các dược liệu.
Dược liệu là nguồn nguyên liệu dễ kiếm, chi phí rẻ, có tác dụng tốt và ít tác dụng không mong muốn. Xạ đen (Celastrus hindsii Benth et Hook.) là loại dược liệu phân bố nhiều ở Trung Quốc và các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Myanma,… Tại Việt Nam, xạ đen phân bố ở các tỉnh như Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình,….
Xạ đen cũng như nhiều loại cây khác thuộc họ Celastraceae rất giàu các hợp chất như alkaloids, sesquiterpenes, diterpenes, triterpen, glycoside tim và flavonoid; các hợp chất này thể hiện tác dụng diệt khuẩn và chống ung thư in vitro. Theo y học cổ truyền, xạ đen có tác dụng thông kinh, lợi niệu. Rễ và vỏ cây được dùng để trị các bệnh kinh nguyệt không đều, bế kinh, viêm thận và các bệnh liên quan đến đường tiết niệu.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều bằng chứng khoa học về tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư của cây xạ đen. Vì vậy các tác giả đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá tác dụng gây độc tế bào ung thư và tác dụng chống oxy hóa của các phân đoạn dịch chiết lá cây xạ đen.
Phương pháp lấy mẫu xạ đen
Mẫu nghiên cứu được thực hiện trên lá xạ đen được thu hái vào tháng 6 năm 2019 tại Buôn Ma Thuột. Mẫu nghiên cứu được giám định thực vật học bởi Bộ môn Dược Liệu và Y học Cổ truyền, Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lá xạ đen sau khi thu hái được rửa sạch, sấy khô ở 50ºC và cắt nhỏ. Tiến hành chiết xuất 1 kg lá xạ đen với dung môi ethanol 90% thu được dịch chiết, lặp lại 3 lần, gộp dịch chiết sau đó lọc. Cô quay thu hồi dung môi, thu được cao toàn phần EtOH (300g). Cao toàn phần EtOH (100g) tiếp tục được chiết phân đoạn như sau: hòa tan cao tổng vào nước sau đó chiết lần lượt bằng các dung môi n-hexane 5 g, EtOAc 32 g và n-Butanol 50 g thu được các phân đoạn dịch chiết. Cô quay thu hồi cắn dịch chiết các phân đoạn để tiến hành thử hoạt tính.
Tác dụng độc tính trên các dòng tế bào ung thư
Phương pháp đánh giá khả năng độc tính tế bào dựa trên phương pháp MTT (3-(4,5 dimethylthiazol- 2 – yl )- 2, 5 – diphenyltetrazolium). Đây là phương pháp đánh giá khả năng sống sót của tế bào qua khả năng khử MTT (màu vàng) thành một phức hợp formazan (màu tím) bởi hoạt động của enzym dehydrogenase trong ty thể. Các tác giả đã tiến hành trên 3 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep G2 (HB – 8065TM), ung thư phổi LU-1 (HTB – 57TM), ung thư vú MCF-7 (HTB – 22TM).
Kết quả cho thấy các phân đoạn dịch chiết lá xạ đen tác dụng gây độc rõ rệt đối với cả ba dòng tế bào ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.
Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu đã được thực hiện trước đó. Xian-Qing Hu có nghiên cứu dịch chiết cây xạ đen có độc tính tế bào chống lại bốn dòng tế bào ung thư người: tế bào ung thư phổi, tế bào ung thư đại tràng, tế bào ung thư vú và tế bào ung thư gan.
Trong báo cáo tổng quan về các thực vật thuộc họ Celastraceae của tác giả Alan C.Spivey thì các chất được tìm thấy trong dịch chiết các phần của cây xạ đen có tác dụng invitro ức chế một số dòng tế bào ung thư ở người như tế bào ung thư vòm họng, ung thử cổ tử cung, ung thư biểu mô đại tràng, ung thư gan,….
Yao Haur Kou và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sinh học lá xạ đen cho thấy hợp chất maytenfolone-A trong lá xạ đen có độc tính tế bào chống lại ung thư gan và ung thư biểu mô vòm họng
Tác dụng chống oxy hóa
Phương pháp đánh giá tác dụng chống oxy hóa dựa vào sự chuyển màu vàng và giảm cường độ hấp thụ ánh sáng tại bước sóng 517 nm của gốc tự do DPPH (2,2- diphenyl-1-picryhydrazyl) khi kết hợp với các chất chống oxy hóa.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cao tổng EtOH và phân đoạn EtOAc từ lá xạ đen thể hiện được hoạt tính chống oxy hóa cao.
Các thí nghiệm của các tác giả khác cũng có kết quả tương tự nghiên cứu này. Tác giả Trần Đức Việt chỉ ra được phân đoạn ethylacetate có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất so với các chiết xuất khác.
Các tác giả đến từ Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc đã nghiên cứu sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa của các cây thuốc tại Việt Nam. Trong đó, có kết quả chỉ ra rằng cây xạ đen có tác dụng ức chế quét gốc tự do DPPH với IC50 là 32,3 µg/mL.
Tác giả Lý Ngọc Trâm cùng các cộng sự của mình đã nghiên cứu phân lập ra được các hợp chất polyphenol trong lá cây xạ đen có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm…
Từ kết quả trên, nghiên cứu kết luận các phân đoạn của dịch chiết lá cây xạ đen có tác dụng chống oxy hóa tốt và khả năng gây độc với các dòng tế bào ung thư.
Bạn có thể đọc chi tiết kết quả nghiên cứu tại đây
Ý kiến của bạn