Nếu bạn đang nghi ngờ hoặc muốn hiểu rõ hơn về bệnh sỏi mật thì bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về bệnh sỏi mật. Nắm được những thông tin cần thiết này không chỉ giúp bạn mà còn giúp người thân của bạn phòng tránh hoặc phát hiện bệnh sớm để điều trị đúng lúc.
Mục lục
Sỏi mật là gì?
Ở gan có một bộ phận chịu trách nhiệm dự trữ và cô đặc mật do gan bài tiết ra, gọi là túi mật. Khi ăn thức ăn, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng giúp tiêu hóa các chất béo.
Sỏi mật hình thành khi các thành phần trong dịch mật bị rối loạn, gây lắng đọng sỏi trong hệ thống túi mật. Ban đầu sỏi mật không gây triệu chứng hoặc chỉ gây các triệu chứng không rõ ràng như chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Nhưng khi sỏi mật phát triển nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, viêm nhiễm dẫn đến áp xe gan hoặc nhiễm khuẩn huyết.
Có mấy loại sỏi mật
Sỏi mật có nhiều cách phân loại, dựa trên vị trí xuất hiện, thành phần cấu tạo.
Tên gọi các loại sỏi mật theo vị trí:
- Sỏi túi mật: sỏi hiện diện trong túi mật.
- Sỏi mật chủ: sỏi hiện diện trong ống mật chủ.
- Sỏi gan (sỏi ống mật gan): sỏi nằm gần gan và cổ của ống mật chủ.
Trong đó sỏi ống mật chủ là thường gặp ở Việt Nam nhất.
Còn nếu phân loại theo thành phần cấu tạo, có thể chia sỏi mật thành:
- Sỏi cholesterol: Hình thành khi có rối loạn về các thành phần dịch mật như: cholesterol, acid mật, lecithin. Đây là loại sỏi phổ biến nhất, thường có màu vàng.
- Sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin): Hình thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật tăng hoặc do do hậu quả của giun chui ống mật hay nhiễm khuẩn đường ruột. Sỏi có màu nâu sẫm hoặc đen.
- Sỏi muối mật: Hình thành do sự kết tinh muối mật. Có màu đỏ, dễ kết hợp với calci.
Việc xác định chính xác loại sỏi mật cho phép các chuyên gia đưa ra phương án điều trị đúng đắn nhất. Bởi mỗi loại sỏi mật có cơ chế hình thành và đặc trưng riêng. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng thông qua việc phân loại chính xác sỏi mật sẽ giúp sớm tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa sỏi mật hiệu quả toàn diện hơn so với những phương pháp hiện đang được áp dụng.
Nguyên nhân bị sỏi mật?
Các chuyên gia gan mật cho biết việc tiêu thụ quá nhiều cholesterol là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh sỏi mật. Khi lượng cholesterol tăng cao muối mật sẽ không còn đủ khả năng hòa tan hết dẫn tới sự lắng đọng sỏi.
Chế độ ăn uống không khoa học: Túi mật có nhiệm vụ hỗ trợ tiêu hóa và vận hành ăn khớp với gan để thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thói quen ăn uống không lành mạnh thì hệ thống gan mật sẽ phải hoạt động cật lực, lâu dần dẫn đến suy giảm chức năng, tạo điều kiện cho sỏi mật hình thành.
Sỏi mật cũng có thể do chế độ kiêng khem quá mức. Việc loại bỏ hoàn toàn chất béo trong một thời gian dài làm giảm các cơn co bóp của túi mật.
Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt không điều độ, thiếu thể dục thể thao, ít vận động cơ thể có thể tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Thường gặp ở những người: lái xe chuyên nghiệp, cán bộ văn phòng, người cao tuổi, người nuôi ăn qua đường tĩnh mạch…
Táo bón: Táo bón kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột phát triển. Chúng có thể đi ngược lên tá tràng, chui vào đường dẫn mật gây viêm nhiễm kết đọng muối mật, cholesterol.
Suy giảm chức năng gan: Khi cholesterol được tạo ra quá nhiều hoặc ngược lại quá ít lecithin và axit mật, sẽ làm cho cholesterol không được hòa tan hết và lâu dần tích tụ thành sỏi. Nếu vì một lý do nào đó lượng cholesterol bình thường, nhưng lượng muối mật lại sụt giảm cũng ảnh hưởng đến sự hòa tan cholesterol.
Bệnh đường ruột (viêm ruột mạn tính, bệnh lý hồi tràng…): làm giảm hấp thu axit mật.
Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài: Làm tăng nồng độ cholesterol và giảm sự co bóp của túi mật.
Quá nhiều bilirubin ở trong dịch mật cũng làm xuất hiện sỏi mật.
Lưu ý: Các chuyên gia sỏi mật cho rằng, không có một yếu tố chắc chắn nào gây nên sỏi mật, mà nó có thể hình thành bởi sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau.
Cách nhận biết
Triệu chứng bệnh sỏi mật
Đau bụng đột ngột dữ dội là triệu chứng điển hình của sỏi mật. Vị trí đau là vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị lệch sang phải. Cơn đau có thể lan lên vai phải hoặc sau lưng. Một số người bệnh cho biết họ cảm thấy đau đến mức lăn lộn trên giường, thậm chí không dám thở mạnh.
Cũng có trường hợp chỉ đau âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải hoặc vùng thường vị lệch phải, có thể lan lên ngực. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với hội chứng dạ dày.
Sốt cao, rét run đi kèm với đau. Trường hợp này sỏi mật đã gây nhiễm trùng. Sốt thường kéo dài ở người tuổi cao, sức yếu do phản xạ kém.
Vàng da xảy ra do tắc mật. Tùy theo mức độ mật bị tắc ít hay nhiều mà vàng da nhẹ hoặc đậm.
Ngoài ra, sỏi mật có thể gây một số vấn đề về tiêu hóa. Do nhiệm vụ của túi mật là co bóp thúc đẩy mật xuống ruột để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nên sự xuất hiện của sỏi có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa như: ăn không ngon, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón. Những biểu hiện do sỏi mật gây ra này khá giống với các bệnh tiêu hóa – đại tràng nên thường bị bỏ qua.
Trên đây là những dấu hiệu điển hình khi mắc sỏi mật. Muốn xác định chắc chắn mình có bệnh sỏi mật hay không, khi có dấu hiệu bất thường, cần phải thăm khám kỹ ở phòng khám chuyên khoa.
Chẩn đoán bệnh sỏi mật
Bạn cần làm các xét nghiệm công thức máu (bạch cầu tăng cao), xét nghiệm sinh hóa gan mật (bilirubin tăng cao), xét nghiệm nước tiểu. Cùng với siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Để chẩn đoán sỏi túi mật, siêu âm là phương pháp rẻ tiền và nhanh chóng nhất.
Bệnh sỏi mật có chữa được không?
Bệnh sỏi mật có thể điều trị được và đạt hiệu quả cao nhất khi chớm ở giai đoạn khởi phát. Tuy nhiên khi mới hình thành, sỏi mật chưa có triệu chứng nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh nên khó phát hiện. Chỉ khi bệnh phát triển nặng gây đau đớn người bệnh mới nhận ra và tiến hành chữa trị. Điều này gây nhiều khó khăn như: kéo dài thời gian chữa trị, bệnh khó điều trị dứt điểm hơn và tăng mức độ tổn thương do sỏi gây ra.
Trong các trường hợp sỏi mật gây viêm túi mật, làm tắc nghẽn ống mật, di chuyển từ ống mật vào ruột… thì biện pháp uống thuốc tan sỏi gần như không còn tác dụng. Khi gặp tình trạng này, việc sử dụng các phương pháp điều trị ngoại khoa cắt bỏ túi mật là cần thiết. Người bệnh nên tiến hành phẫu thuật cắt túi mật tại các bệnh viện uy tín.
Tuy nhiên, cắt túi mật không đảm bảo sỏi sẽ không tái phát nữa. Chưa kể một số vấn đề có thể xảy ra sau phẫu thuật như hội chứng sau cắt túi mật: đau vùng bụng bên phải, khó tiêu, đầy chướng bụng, tiêu chảy… ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Bệnh sỏi mật có thể chữa được tuy nhiên bệnh để càng lâu, sỏi mật càng lớn thì việc điều trị càng khó khăn, khó điều trị dứt điểm, kéo dài thời gian gây tốn kém, tổn hại sức khỏe người bệnh. Vì vậy, để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, người bị sỏi mật cần chủ động chữa bệnh ngay từ ban đầu để đạt kết quả điều trị tốt nhất. Còn với các bạn có sức khỏe bình thường nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, và nếu bạn nghi ngờ mình có khả năng bị sỏi mật thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác.
Các phương pháp trị sỏi mật
Theo các chuyên gia gan mật, cách chữa bệnh sỏi mật tận gốc tốt nhất là kết hợp giữa việc tuân thủ theo phương pháp điều trị và duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống vận động hợp lý để phòng ngừa sỏi tái phát.
Các phương pháp điều trị nội khoa
Đối với người phát hiện sỏi mật sớm chưa có triệu chứng, bạn chỉ cần điều trị nội khoa. Bạn có thể lựa chọn uống thuốc Tây y hoặc Đông y.
- Thuốc Tây y dùng trong điều trị sỏi mật có bản chất là acid mật. Được chỉ định điều trị trong trường hợp sỏi mật ít hay sỏi mật không cản quang tia X, có đường kính <15mm và chức năng túi mật hoạt động bình thường. Thường được áp dụng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật.
Trong trường hợp sỏi mật đã gây biến chứng đau, viêm, hoặc tắc nghẽn đường mật. Bác sĩ sẽ chỉ định thêm 1 số loại thuốc để làm giảm triệu chứng đau và cải thiện tình trạng bệnh, gồm có:
- Thuốc giảm đau: giúp giãn cơ trơn, giảm co thắt đường mật => giảm các cơn đau do sỏi mật gây ra.
- Thuốc kháng sinh: có tác dụng giảm nhiễm khuẩn
- Thuốc chống viêm: được dùng để giảm viêm cho biến chứng của sỏi mật.
- Thuốc lợi mật: Tăng tiết dịch mật cùng chất lượng dịch mật, làm loãng dịch mật chống lại sự lắng đọng của các thành phần trong dịch mật.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa
Dưới đây là các phương pháp điều trị sỏi mật hiện nay:
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Áp dụng để lấy sỏi trong đường ống mật chủ, sỏi trong gan hoặc đặt stent để xử lý tắc nghẽn đường mật. Các bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi nhỏ đưa qua cửa miệng đi xuống thực quản, dạ dày, tới phần đầu của ruột non và đi lên đường dẫn mặt. Sau đó bắt đầu gắp sỏi đưa ra ngoài. Nguy cơ biến chứng do phương pháp này: viêm tụy cấp, chảy mái, nhiễm khuẩn và thủng tá tràng, nhiễm khuẩn đường ruột…
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi: Là biện pháp phổ biến được dùng để cắt túi mật. Phương pháp này được tiến hành bằng cách luồn ống nội soi đi qua một đường rạch nhỏ (khoảng 1cm) sau đó tiến hành bóc tách và cắt bỏ túi mật. Không áp dụng trong các trường hợp: người cao tuổi, người bệnh có sức đề kháng kém, người béo phì hoặc mắc các bệnh gan mật phức tạp.
Phẫu thuật mổ hở: Thường áp dụng trong trường hợp người bệnh không thích hợp mổ nội soi, mổ nội soi thất bại hoặc có viêm mủ túi mật, nguy cơ vỡ túi mật cao. Phẫu thuật mổ hở được thực hành với việc rạch một đường lớn trên bụng lộ túi mật, sau đó cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài.
Thông dịch mật qua da: Mục đích của biện pháp này chỉ là can thiệp tạm thời, nhằm tránh ứ trệ dịch mật, giảm tình trạng viêm, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm khác. Áp dụng khi sỏi gây biến chứng nhưng người bệnh chưa thể làm phẫu thuật cắt túi mật, hoặc trước khi thực hiện phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng.
Tán sỏi bằng sóng siêu âm (ESWL): Các bác sĩ dùng năng lượng của sóng siêu âm để tán sỏi mật thành nhiều mảnh nhỏ, sau đó những mảnh nhỏ có thể rửa trôi theo đường mật xuống ruột, những mảnh lớn hơn sẽ được gắp bỏ ra ngoài bằng ERCP.
Đông Y điều trị sỏi mật
Theo Đông Y, sỏi túi mật được gọi là chứng Thạch đởm, căn nguyên bệnh là do can uất khí trệ, ăn uống không điều độ mà thành bệnh. Do đó để điều trị phải giải quyết được cả 3 yếu tố quan trọng sau:
- Tăng cường chức năng gan để tăng cường chất lượng dịch mật tránh kết tụ sỏi mật
- Tăng vận động đường mật giúp dịch mật lưu thông tốt hơn dễ bào mòn sỏi mật
- Nâng cao khả năng kháng khuẩn, kháng viêm ngăn ngừa biến chứng viêm túi mật, viêm đường mật và ngăn ngừa sỏi tái phát.
Thông thường thuốc trị sỏi mật sẽ được bào chế từ các loại cây thuốc quý có tác dụng làm tan sỏi, tăng cường chức năng gan mật, giúp dịch mật lưu thông tốt hơn, từ đó ngăn sỏi mới hình thành cũng như giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Bạn có thể tham khảo bài thuốc chữa sỏi mật bằng Đông Y dưới đây để hiểu thêm về cách điều trị này.
Xem thêm: Bài thuốc nam trị sỏi mật
Bên cạnh đó, để ngăn sỏi phát triển thêm đồng thời hạn chế sự xuất hiện của sỏi mới, người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Chế độ ăn: bổ sung thêm rau, trái cây vào bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa, hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, cholesterol. Ăn uống điều độ đầy đủ các bữa trong ngày, có thể chia thành các bữa ăn nhỏ để cơ thể tiêu hóa tốt hơn.
Chế độ sinh hoạt: Nên tập thể dục thể thao đều đặn. Tăng vận động thể lực sẽ giúp tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ. Nhờ đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ sỏi tái phát. Một số môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh… Nếu có thể, bạn nên dành ra mỗi ngày 1 tiếng vận động, buổi sáng 30 phút, buổi chiều 30 phút.
Bạn có thể quan tâm: Bệnh sỏi mật nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Ý kiến của bạn