Tắc kè là một trong những vị thuốc đông y có tác dụng bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Công dụng và cách dùng tắc kè như nào? Hãy đọc để biết thêm.
Tắc kè
Tắc kè sống ở những hốc cây, hốc đá hoặc những khe hốc các nhà gác cao, tường cao. Nó ăn sâu bọ, gián, châu chấu, bướm… Những con vật này phải cử động tắc kè mới trông thấy. Đến mùa rét nó không ăn mà vẫn sống khỏe mạnh.
Tắc kè đẻ trứng. Mỗi lần đẻ hai trứng. Trung bình sau 90-100 ngày trứng mới nở. không phải ấp. Mùa đẻ: tháng 5 đến tháng 10.
Tên gọi tắc kè là do con đực kêu hai tiếng tắc kè. Nó kêu luôn một lúc 10-12 lần liền có khi nhiều hơn. Tiếng kêu càng về cuối càng nhỏ dần. Trong sách cổ có nói con đực kêu “tắc” con cái kêu “kè” nhưng thực tế một con kêu cả hai tiếng “tắc kè”.
Phân bố, cách bắt và chế biến tắc kè làm thuốc
Tắc kè sống hoang tại các tỉnh miền thượng du nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngoài ra tắc kè cũng có ở nam Trung quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến điện và Đông bắc Ấn độ.
Vào mùa sinh sản tháng 5-đến tháng 10 hàng năm, tắc kè thường hay kêu nhiều nhất để phát tín hiệu. Tầm này, dựa vào tiếng kêu mà người ta thường đi bắt tắc kè. Vào mùa khác người ta dựa vào phân tắc kè mà tìm nơi chúng ở. Phân tắc kè gồm một thỏi màu nâu to và một cục màu trắng nhỏ. Muốn bắt tắc kè người ta tìm nơi hang hốc có tiếng kêu hay nơi nó thường đi lại. Người ta làm một que cứng, dẻo làm bằng tre cật, dài chừng 1m, đầu que buộc một mớ sợi tóc rối. Khi chọc đầu que này vào hốc, tắc kè ngoạm lấy, tóc rối vướng vào răng không mở ra, ta chỉ việc kéo ra mà bắt lấy.
Tắc kè khô
Tắc kè bắt được đem về mổ bụng bỏ hết ruột, dùng 2 que nứa nhỏ ngắn, một que căng 2 chân trước , 1 que cằng 2 chân sau. Một que nữa thì xuyên dọc suốt từ đầu đến quá đuôi Sau đó phơi hoặc sấy khô. khi dùng, bỏ mắt, chặt 4 chân, sấy khô tán nhỏ hoặc cắt nhỏ để ngâm rượu.
Tác dụng dược lý của tắc kè
Theo tài liệu cổ tắc kè có tác dụng làm cho đỡ mệt nhọc, vì vậy muốn thử xem có phải đúng tắc kè hay không, người ta thử như sau: Nướng tắc kè cho vàng, giã nhỏ, ngậm một ít, chạy một quãng đường, không thấy thở mệt mới là thực-(Ghi chép lại từ Lý Tuân do Lý thời Trân thuật lại trong Bản thảo cương mục).
Ngoài ra trong các tài liệu cổ còn ghi tắc kè có tác dụng chữa hen, lao phổi và cường dương.
Công dụng và liều dùng
Tắc kè là một vị thuốc dùng phổ biến trong dân gian, dùng làm thuốc bổ và chữa ho.
Thuốc bổ: Tác dụng ngang như nhân sâm. thịt để dùng cho những người giao cấu không bền bỉ. Thường người ta dùng một đôi con đực và con cái. Nhưng thực tế rất khó phân biệt con đực và con cái nên cứ dùng hai con một.
Chữa các chứng ho có đờm hay không có đờm lâu ngày không khỏi, khạc ra mủ máu, ho luôn không dứt, hơi nghẽn lên cổ.
Nhà thuốc Đông Y Phú vân cũng đã dùng cho nhiều bệnh nhân cần bồi bổ sức khỏe, dùng khi mệt mỏi thấy chóng tỉnh táo, khoan khoái.
Hình thức dùng có thể sấy khô tán bột uống riêng hoặc trộn với các vị thuốc khác. Cũng có thể ngâm rượu mà uống. ngày 3-4g dưới dạng thuốc bột hay ngâm rượu
Theo tài liệu cổ tắc kè có vị mặn, tính ôn, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng bổ phế thận. ích tinh, trợ dương, chữa hen suyễn. Dùng chữa hư lao, ho có mủ, hen suyễn, tiêu khát. Người có đờm ẩm hen suyễn không dùng được.
Những đơn thuốc tắc kè mà dân gian truyền lại
1. Rượu tắc kè, chữa suy nhược thần kinh, đau ngang thắt lưng.
Tắc kè mổ bỏ ruột, sấy khô, cắt bỏ đầu, chân, ngâm với rượu: mỗi 1 lít rượu 35-40độ ngâm 2 đến 5 con. Ngâm trong 1 tuần lễ trở lên. Lọc lấy rượu trong mà uống. Ngày uống (15-30ml) chừng nửa cốc con. Uống nguyên hoặc pha với mật ong cho ngọt. Có thể thêm ít trần bì hay vỏ cam vào cho thơm. Uống vào buổi tối hay sáng sớm.
Dùng cho những người hay mệt nhọc, đau xương đau người, đau ngang thắt lưng.
2. Đơn thuốc chữa ho, nặng mặt, nặng cả chân tay
- Tắc kè một đôi, bỏ đầu, chân, lấy rượu bôi khắp lượt rồi nướng chín.
- Nhân sâm 20g (hoặc có thể dùng đảng sâm 40g )
- Cả hai vị sấy khô tán nhỏ. Cất trong lọ kín ăn dần. Ngày ăn 4 g bột trên.
3. Đơn thuốc chữa bệnh ho lao, già mà ho nhiều đờm, tim yếu:
- Tắc kè một đôi bỏ đầu, chân , sấy khô tán nhỏ
- Đảng sâm:20 g
- Quy bản nướng tán bột 20g
- Bắc sa nhân 20g tán bột.
- Tất cả trộn đều. thêm vị táo đỏ và giã nát làm thành viên, mỗi viên nặng 1g. ngày uống 3 lần. mỗi lần 1 đến 2 viên, nhai và dùng nước mà chiêu uống.
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi
Ý kiến của bạn