Trám trắng hay còn gọi là Cà na, Ô lãm, Mác cợm… Trám trắng dược dùng chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy …
- Tên tiếng Việt: Trám trắng, Cà na, Ô lãm, Mác cợm, Mạy cưởm (Tày), Thanh quả
- Tên khoa học: Canarium album (Lour.) Raeusch. – Pimela alba Lour.
- Họ: Burseraceae
Mô tả cây trám trắng
- Cây to, cao 20 m hoặc hơn. Cành non màu nâu nhạt, có lông mềm. Lá kép lông chim, mọc so le, dài 35-40 cm, gồm 7 – 11 lá chét, mặt trên màu xanh nhạt bóng, mặt dưới có lông ánh bạc; những lá gần gốc có đầu ngắn, những lá ờ giữa dài hơn, có đầu thuôn dài, lá tận cùng hình bầu dục, gân lá hơi rõ; lá kèm có lông mềm, màu nâu bạc.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài 8 – 10cm; lá bắc hình vảy; hoa mọc thưa, thường tụ họp 2 – 3 cái ở một mấu; đài có lông, 3 răng; tràng hình bầu dục, có 3 cánh hơi dài hơn lá đài, phủ lông ngắn ở mặt ngoài; nhị 6, chỉ nhị ngắn; bầu hình trứng, có lông màu nâu.
- Quả hạch, hình trứng, nhọn ở đầu, khi chín màu vàng nhạt; hạt cứng nhẵn có vỏ dày. Mùa hoa: tháng 5-6; mùa qủa: tháng 8 – 9.
Phân bố, sinh thái
Canarium L. là một chi lớn về số loài của chi có những ý kiến khác xa nhau : Theo E. C. Fernandez, 2000, có khoảng 80 loài (PROSEA, Nol8 – Plants producing exudates, p. 55 – 60); tài liệu khác ghi 150 loài (The wealth of India, Vol.II, 1950, 52 – 55). Ở Việt Nam có 8 loài, trong đó trám trắng có thể coi là loài đặc hữu khu vực; vì cây chỉ phân bố chủ yếu ở miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra, một phần lãnh thổ phía nam Trung Quốc (Quảng Tây – Vân Nam) và Bắc Lào. Trám trắng có ở các tỉnh Quảng Bình, Hoà Bình, Hà Tây (Ba Vì), Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Cạn…
Trám trắng thuộc loài cây gỗ to, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay thứ sinh, độ cao dưới 500m. Cây mọc tự nhiên từ hạt sau 8-10 năm bắt đầu có hoa quả; cây trồng có thể sớm hơn. Trám có thể sống được trên nhiều loại đất, song tốt nhất là đất feralit đỏ vàng hay vàng đỏ có nhiều mùn. Những năm gần đây, người dân ở các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã chủ động trồng thêm nhiều trám trắng trên diện tích vườn rừng hay rừng được giao khoán.
Cách trồng
Trám trắng là cây đa dụng được trồng trên đất đồi gò, nương rẫy ở miền Bắc và miền Trung. Cây ưa sáng, nhiệt độ bình quân năm trên 22°c, thấp nhất trên 13°c, lượng mưa 1800 – 2000 mm, độ ẩm không khí trên 80%. Trên đất tốt, dày, đầy đủ ánh sáng, cây sinh trưởng mạnh, sai quả.
Trám được nhân giống bằng hạt. Hạt trám không chịu được điều kiện bảo quản khô nhưng có thời gian ngủ nghỉ khá dài. Vì vậy, cần phải nhân giống như sau: vào tháng 8-9, hái những quả chín già, to đều, không bị sâu bệnh, ngâm vào nước nóng 70°C cho thịt quả mềm rồi tách lấy hạt, rửa sạch, hong khô, xếp trong cát ẩm; cứ một lớp hạt, một lớp cát. Khoảng 7 – 10 ngày, đảo hạt một lần cho thoáng khí, tưới thêm nước giữ ẩm, nếu cần có thể thay cát mới. Đến mùa xuân, khi hạt nứt nanh, đem gieo vào bầu. Ruột bầu gồm 90% đất, 10% phân chuồng hoai mục. Mỗi bầu gieo một hạt đã mọc mầm (cũng có thể gieo thẳng hạt sau khi tách khỏi quả, nhưng tốn nhiều công chăm sóc và tỷ lệ hỏng cao). Bầu xếp trong vườn ươm, chăm sóc sau một năm thì chuyển đi trồng. Nếu để lâu hơn, hàng năm cần đánh chuyển bầu để rễ cái không ăn sâu, trồng dễ sống.
Đất trồng trám cần dày, nhiều mùn, đầy đủ ánh sáng. Nếu để lấy quả, cần trồng thưa, 7 – 8 m một cây, còn lấy gỗ, có thể trồng dày hơn. Thời vụ trồng vào tháng 2-3 hoặc tháng 8 – 9. Trồng theo hố, với kích thước 50 x 50 x 50 cm, bón lót mỗi hố 10 -15 kg phân chuồng. Có thể trồng xen dứa, chè, đậu, lạc, khoai, sắn… để tận dụng đất đai, hạn chế cỏ dại, tăng thu nhập. Ngoài ra, chăm sóc cho cây trồng xen cũng giúp cho cây trám sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Sau khi trồng, thỉnh thoảng tưới và làm cỏ xung quanh gốc cho đến khi cây bén rễ. Khi cây đã lớn, không cần tưới và làm cỏ, nhưng mỗi năm bón thêm phân vào lúc cây chuẩn bị ra hoa và sau khi thu hoạch quả, mỗi lần bón 50 – 70 kg phân chuồng cho một cây.
Bộ phận dùng
Rễ lá, thu hái quanh năm; quả hái khi chín, dùng tươi hay muối, rồi phơi, sấy khô. Ngoài ra, nhựa cây còn được khai thác để làm hương và cất tinh dầu hay chế colophan.
Thành phần hóa học
Quả trám có protein 12% lipid 1.09% hydrat carbon 12% Ca 0,024%, P 0,046%, F 0,004% và phosphor 0,06%
Dầu hạt chứa các acid hexanoic, caproic, octanic, decanoic, lauric, myristic, stearic, palmatic và linoleic
Tác dụng dược lý
Hai chất triterpen chiết từ quả trám trắng được xác định có tác dụng bảo vệ gan trong phương pháp nuôi cấy tế bào gan cô lập của chuột cống trắng đực được gây ngộ độc bằng D – galactosamin. Cụ thể là phân lập tế bào gan chuột cống trắng rồi nuôi cấy. Nếu thêm D – galactosamin vào môi trường nuôi cấy, tỷ lệ tế bào gan chết tăng lên. Xác định số tế bào chết bằng cách sau một thời gian nuôi cấy, thêm dung dịch xanh Trypan vào, rồi soi lên kính hiển vi. Những tế bào sống không bắt màu xanh. Những tế bào chết thì màng tế bào không có khả năng bảo vệ chống lại sự xâm nhập của chất màu, nên tế bào có màu xanh. Thuốc nghiên cứu làm giảm số tế bào chết.
Tính vị, công năng
Quả trám có vị chua, ngọt, bùi, béo, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, sinh tân, thanh giọng, giải độc rượu và cá độc.
Công dụng:
- Trám trắng dược dùng chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều (viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước)
- Quả tươi còn xanh để giải độc rượu, chữa ngộ độc do cá độc, con dải.
- Quả chín có tác dụng an thần, chữa động kinh. Ngàỵ 6 – 12g sắc uống.
- Nhân hạt trám tri giun và hóc xương, vỏ cây tri di ứng sơn, đau nhức răng.
- Nhựa trám trắng được cất lấy tinh dầu dùng trong kỹ nghệ nước hoa, colophan còn lại dùng trong kỹ nghệ xà phòng, vecni. Nhân dân còn dùng nhựa trám trộn với bột thân cây đậu tương làm hương thắp.
Món ăn từ quả trám trắng
Làm mứt trám, có mùi vị đặc biệt: trám trắng nấu với đường để làm mứt trám, hương vị từa tựa mứt chà là Iraq
Ô mai trám (trộn bột gừng, cam thảo): trám trắng còn ngâm với muối, rồi phơi thành ô mai trám.
Trám kho cá rô (hoặc cá khác): Bỏ hạt, đập dập, xếp từng lớp trám cách cá vào nồi đất, cho tương vào nấu lửa nhỏ đến khi chín nhừ. Trám trắng có vị chát sẽ làm mất đi mùi tanh của cá
Trám trắng kho thịt: quả trám ngon nhất khi được đập dập cả hạt, cái nhân nằm dọc hạt trám sẽ ngấm ra thịt quả, rồi được kho kỹ với thịt ba chỉ… vị chua chát quyện với miếng thịt nửa nạc nửa mỡ làm miếng cơm ngon miệng hơn và đậm đà một cách giản dị. Thịt không còn quá ngấy và béo, còn quả trám lúc đó hơi chát dịu, chua chua man mát, và ngậy, cái ngậy của thịt ba chỉ và nhân trám tiết ra.
Trám trắng ngâm nước mắm cua: Sau khi ngâm nước nóng già, bổ quả trám, tách đôi bỏ hạt, lại ngâm vào nước tro rơm rạ. Qua một đêm vớt ra rửa sạch, đợi ráo nước đem phơi nắng nửa ngày cho tái quắt lại rồi ngâm vào nước mắm cua đậm đặc để ăn dần. Có thể để dành vài tháng sau ăn vẫn ngon.
Trám muối: luộc đổ nước chát, tách đôi bỏ hột, cho nước mắm ngon với ít đường ngập trám, để khoảng 5 ngày mới ăn (không dùng muối).
Bài thuốc có trám trắng
1. Chữa đau họng, sưng amiđan, ho, miệng khô, khát nước: Lấy 500g quả trám trắng tươi, rửa sạch, đập lấy cùi, bỏ hạt, nấu với nước 2-3 lần. Lọc rồi cô còn hơn 250ml. Thêm vào 125g đường kính hoặc phèn chua. Cô còn 250ml. Uống mỗi lần 2-5ml. Ngày 2-3 lần.
2. Chữa lỵ: Quả trám tươi để cả hạt 90g, sắc với 200ml nước, còn 90ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
3. Chữa viêm tắc mạch: Quả trám trắng 200g, luộc kỹ ăn và uống cả nước. Ăn liền 50 ngày (Lương y Lê Trần Đức).
4. Chữa hóc xương cá:
- Hạt quả trám trắng, đốt tồn tính, tán bột, phối hợp với bột rễ cây đậu ván trắng, uống dần mỗi lần 4 – 6g.
- Trám trắng 5 quả, sắc lấy nước đặc ngậm và nuốt dần, hoặc lấy thịt quả, giã giập, ép lấy nước uống. Có thể kết hợp lấy lá hẹ giã nát, trộn với lòng trắng trứng đắp ngoài da chỗ xương hóc.
5. Chữa đau răng, sâu răng:
- Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ đau.
- Vỏ thân cây trám trắng, cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng, phơi khô, sắc lấy nước ngậm khoảng 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ cà dại, rễ chanh, lượng mỗi vị bằng nhau, sắc đặc, ngậm như trên.
6. Chữa lở sơn: Vỏ cây, chặt nhỏ, nấu nước tắm.
7. Chữa nứt nè kẽ chân, gót chân khi trời rét: Hạt trám trắng đốt thành than, tán nhỏ, rây, trộn với dầu thực vật, bôi hàng ngày.
8. Chữa tràng nhạc: Hạt trám, hạt gấc và vỏ quả mướp đắng, đốt thành than, lượng bằng nhau, trộn đều, hòa với mỡ lợn, bôi.
Ý kiến của bạn