Nấm ngọc cẩu được gọi với tên đúng là cây tỏa dương. Sở dĩ tên gọi ngọc cẩu xuất phát từ hình dáng bên ngoài của cây- đôi lúc gọi là cu chó.
Tên gọi
Nấm ngọc cẩu còn gọi là cây tỏa dương, Củ dó đất (gió đất), củ ngọt núi, hoa đất, cu chó, cây không lá, xà cô.
Tên khoa học: Balannophora sp. Thuộc họ Balannophoraceae.
Mô tả cây
Cây sống ký sinh ở trên rễ cây khác, thân thoái hoá thành một củ có nhiều dạng khác nhau, thường gồm nhiều thuỳ. Hình dáng trông như một cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, cấu tạo bởi một cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, mùi hôi. Cán hoa nạc và mềm, dạng thay đổi, sần sùi, không có lá.
Hoa đực và hoa cái riêng, cùng gốc hoặc khác gốc. Cụm hoa đực hình trụ dài, trục hoa ở gốc có một ít lá,
bao hoa 4-7 thuỳ; nhị có 4-7 bao phấn. Cụm hoa cái ngắn, hoa không có bao hoa và chỉ là những khối hình trứng có chân và kéo dài bằng một sợi mảnh.
- Cụm hoa đực hình trụ dài 10-15cm.
- Cụm hoa cái hình trứng, dài 2-3 cm.
Phân bố, thu hái và chế biến
Nấm ngọc cẩu thường mọc và sống kí sinh trên những rễ của những gốc cây lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Thường gặp ở Hà Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái. Mùa hoa vào tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Thường vào tầm này thì người ta mới dễ phát hiện ra cây tỏa dương. Chính vì thế mà thường vào gần dịp Tết Nguyên Đán, người dân địa phương thường đi thi hái đem về rửa sạch, thái mỏng, sao khô để bảo quản.
Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chỉ thấy có nhiều chất màu anthoxyanoaxit.
Công dụng và liều dùng
Trong đông y dùng vị tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, hồi phục sức khỏe
Cây cũng dùng để chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Dùng dưới dạng thuốc rượu: uống bổ tinh, cường tráng, mạnh gân cốt.
- Vị tảo dương thái mỏng ngâm rượu với tỉ lệ 1:5 (1 phần tỏa dương ứng với 5 phần rượu).
- Dùng rượu 35-40 độ.
- Ngâm trên 1 tháng mới sử dụng
- Rượu ngâm tỏa dương có màu đỏ sẫm, vị hơi đắng, chát. Bạn có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống. Ngày uống 2 lần vào trước bữa ăn, mỗi lần 1 chén nhỏ tầm 30ml.
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi
Ý kiến của bạn