Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y. Tuy nhiên ở nước ta, tên cam thảo dùng để chỉ 3 vị thuốc khác nhau. Cần chú ý để tránh nhầm lẫn: Cam thảo bắc, cam thảo dây và cam thảo nam.
Cam thảo bắc
Cam thảo bắc còn có tên gọi khác như bắc cam thảo, cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão.
Tên khoa học: Glycyrrhiza uralensis Fish và Glycyrrhiza glabra L. (G/ glandulifera Waldst et Kit) . Thuộc họ cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Cam thảo (Radix Glycyrrhizae) là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây cam thảo nguồn gốc vùng Uran (Glycryrrhiza uralensis Fish.) Hay cây cam thảo châu Âu Glycryrrhiza glabra L.
Tên gọi cam thảo bởi vì cam là ngọt, thảo là cỏ, tức cỏ có vị ngọt. Glycryrrhiza vì do chữ Hy lạp glykos là ngọt và riza là rễ, rễ có vị ngọt, uralensis vì sản xuất ở vùng núi Uran, dãy núi nằm giữa châu Á, châu Âu.
Mô tả cây
Cây cam thảo Glycryrrhiza uralensis là cây sống lâu năm thân có thể cao tới 1m hay 1.5 m. Toàn thân cây có lông rất nhỏ. Lá kép lông chim lẻ, lá chét 9-17. hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, dài 2-5,5cm, rộng 1,5-3cm. Vào mùa hạ và mua thu nở hoa màu tím nhạt, hình cánh bướm dài 14-22mm(cây trồng ở Việt nam sau 3 năm chưa thấy ra hoa). Quả giáp cong hình lưỡi liềm dài 3-4 cm, rộng 6-8 cm, màu nâu đen, mặt quả có nhiều lông. Trong quả có 2-8 hạt nhỏ dẹt, đường kính 1.5-2mm màu xám nâu, hoặc xanh đen nhạt, mặt bóng. Tại Trung quốc mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-9.
Cây cam thảo bắc
Cây cam thảo Glycryrrhiza glabra rất giống loài cam thảo G. uralensis, nhưng khác ở chỗ lá chét thuôn dài hơn, dài 1,5-4cm, rộng 0,8-2,3mm. Quả giáp thẳng dài hơi cong, dài 2-3 cm, rộng 4-4mm, mặt quả gần như bóng hoặc có lông ngắn, số hạt ít hơn loài trên. Mùa hoa tháng 6-8, mùa quả tháng 7-9.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây cam thảo bắc trước đây không có ở nước ta. Từ năm 1958 mới bắt đầu trồng thử nghiệm giống cam thảo Glycryrrhiza uralensis. Trồng bằng hạt hoặc bằng thân rễ, sau 4-5 năm trở lên có thể thu hoạch. Sau khi đào rễ, người ta xếp thành đống cho hơi lên men. làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn, là màu được ưa chuộng hơn.
Tại Liên xô cũ, Trung quốc và nhiều nước khác cây cam thảo mọc honag và trở thành thứ cỏ khó diệt trừ, chỉ một mẩu thân rễ có thể trở thành một bụi cam thảo và cứ như vậy lan ra rộng mãi. Những khu vực cam thảo mọc hoang là những nơi có đất khô, đất có canxi, đất cát, đất cát vàng.
Tác dụng của cam thảo bắc
Tác dụng dược lý
Trước đây tây y chỉ coi cam thảo như một vị thuốc có tác dụng hỗ trợ, làm cho đơn thuốc dễ uống, trái lại đông y coi vị cam thảo có khả năng chữa rất nhiều bệnh và dùng trong hầu hết các đơn thuốc.
Trong nhiều công trình nghiên cứu, vai trò cam thảo rất được chú ý đến, nhiều kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng đã chứng minh kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân.
- Tác dụng giải độc của cam thảo: Cam thảo có tác dụng giải độc đối với độc tố uốn ván
- Tác dụng như coctison: tăng sự tích nước và muối Nacl trong cơ thể gây ra thủy thũng đồng thời trị các vết loét trong bộ máy tiêu hóa.
- Tác dụng đối với vị toan (nước chua của dạ dày)
- Tác dụng tiêu giật (spasmolytique) đối với cơ trơn ống tiêu hóa.
- Tác dụng của nội tiết tố dục tính
- Tác dụng khác: Một số báo cáo cho rằng cam thảo có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, chữa táo bón.
Công dụng của cam thảo
Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y. Ngoài ra nó còn được dùng trong kỹ nghệ thuốc lá, nước giải khát và chế thuốc chữa cháy.
theo tài liệu cổ, cam thảo có vị ngọt, tính bình(sau khi nướng thì hơi ôn), vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc. Muốn thanh hỏa thì dùng sống, muốn ôn trung thì nướng. Nướng lên chữa tỳ hư mà ỉa lỏng, vị hư mà khát nước, phế hư mà ho. Dùng sống chữa đau họng ung thư.
Cam thảo được dùng để thay thế vị ngọt glycyrrhizin của cam thào ngọt gấp 50 lần đường saccaroza. Tuy nhiên ngọt của cam thảo lại để lại hậu vị đắng hơi khó chịu.
Trong y học, ngoài công dụng làm cho thuốc ngọt dễ uống, làm tá dược chế thuốc viên, thuốc ho, thuốc giải độc, hiện nay cam thảo có hai công dụng chủ yếu:
Chữa loét dạ dày và ruột: Ngày ướng 3-4g. chia 3 lần uống trong ngày. uống luôn 7-14 ngày. sau đó nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù nề, nặng mặt.
Chữa bệnh Adidon (Addison ‘s) vì trong cam thảo có axit glyxyretic cấu tạo như coctison nên có tác dụng tới sự chuyển hóa các chất điện giải cơ thể giữ lại natri và clorua trong cơ thể giúp sự bài tiết kali và có thể dùng điều trị bệnh addidon
Đơn thuốc có cam thảo
1. Cát cánh cam thảo: chữa ho
2. Đơn thuốc Kavet chữa đau dạ dày:
- Cao cam thảo 0,003g.
- Bột cam thảo 0,1 g,
- Natri bicacbonat 0,15g
- Magie cacbonat: 0,2g
- Bitmuntnitrat basic : 0,05g
- Bột đại hoàng 0,02g
Tá dược vừa đủ 1 viên.
Chữa loét dạ dày với liều 2-4 viên mỗi lần, ngày uống 2-3 lần.
3. Đơn thuốc chữa loét dạ dày
Chỉ có một vị cam thảo: cao cam thảo 2 phần, nước cất 1 phần hòa tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa nhỏ. Không uống lau quá 3 tuần.
4. Nhân trung hoàng chữa sốt quá hóa điên cuồng, trúng độc:
Cam thảo tán nhỏ, cho vào đầy một ống tre đẫ cạo hết lớp tinh tre bên ngoài. Bịt kín hai đầu bằng nhựa thông. Đến mùa đông cắm cả ống tre đó vào một hố phân người, cho đến ngày lập xuân lấy ra rửa sạch, bổ ống tre lấy cam thảo phơi khô tán nhỏ. Phải chăng đây là cách người xưa chế cam thảo dưới dạng muối amoniac.
Đông y coi vị này rất quý để chữa cảm sốt quá hóa điên cuồng, trúng độc, bị mụn nhọt. Mỗi lần 1-2 g.
5. Cao cam thảo mến:
Chữa các chứng mụn nhọt, ngộ độc. Ngày uống 1-2 thìa con.
Cam thảo dây
Còn gọi là tương tư tử, tương tụ đậu, tương tư đằng, dây cườm, dây chi chi, ang krang, angkreng (camphuchia)
Tên khoa học Abrus precatorius L. Thuộc họ cánh bướm Fabaceae (Papilionacae).
Dây cam thảo cho những bộ phận dùng làm thuốc sau đây:
Rễ và lá dùng thay cam thảo bắc ở nhiều nước, do đó còn có tên liane reglisse (dây cam thảo), reglisse d’ Amerique( Cam thảo châu Mỹ) , reglisse indienne (Cam thảo Ấn độ)
Hạt là tương tư tử -semen Abri (Semen Jequiriti).
Cam thảo dây
Dây cam thảo là một loại dây leo, cành gầy nhỏ, thân có nhiều xơ. Lá kép hình lông chim. cả cuống dài 15-24cm, gồm 8-20 đôi lá chét, cuống chung ngắn, cuống lá chét càng ngắn hơn, phiến lá chét hơi hình chữ nhật dài 5-20mm, rộng 3-8mm. Hoa màu hồng mọc thành chùm nhỏ ở kẽ lá hay đầu cành. Cánh hoa hình cánh bướm. Quả thon dài 5cm, rộng 12-15mm, dày 7-8mm, mặt có lông ngắn. Hạt từ 3 đến 7 hình trứng, vỏ rất cứng, bóng, màu đỏ với một điểm đen lớn quanh tễ.
Phân bố, thu hái và chế biến
Dây cam thảo mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Họ bó thành từng bó dây và lá cam thảo. Rễ và hạt ít thấy bán hơn.
Công dụng của cam thảo dây
Rễ, thân , lá được dùng thay vị cam thảo bắc trong các đơn thuốc. Tuy nhiên do hoạt chất không giống nhau hẳn, cho nên việc thay thế chưa hoàn toàn hợp lý.
Tại Xê nê gan, những người ca hát thường nhai lá cây này cho ngọt giọng.
Tại Đông châu Phi, một số dân tộc dùng lá chữa rắn độc cắn.
Hạt thường dùng ngoài làm thuốc sát trùng: Giã hạt cho nhỏ, đắp lên chỗ đau. Tuy nhiên hạt có độc nên cần chú ý.
Trước đây người ta hay dùng hạt này chữa bệnh đau mắt hột, đau mắt thường: dùng 3 đến 5 hạt, giã nát ngâm với 1 lít nước. Ngày nhỏ vào mắt 3 lần thuốc này. Tuy nhiên thuốc có độc, gây phù tấu kết mạc. Do đó về sau người ta không dùng nữa.
Cam thảo nam
Còn có tên là dã cam thảo( Trung quốc), thổ cam thảo, giả cam thảo.
Tên khoa học là Seoparia dulcis L. thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.
Cam thảo nam là một laoij cỏ mọc thẳng đứng, cao 30-80cm, thân nhẵn, rễ to hình trụ. Lá đơn, mọc đối hoặc vòng 3 lá một. Phiến lá hình mác hay hình trứng ngược, dài 1,5-3cm, rộng 8-12mm, phía cuống hẹp lại thành cuống ngắn, mép lá nửa phía trên có răng cưa to, phía dưới nguyên. Mùa hạ ra hoa nhỏ màu trắng ở kẽ lá, mọc riêng lẻ hoặc thành đôi. Quả nhỏ hình cầu, trong chứa nhiều hạt nhỏ.
Cam thảo nam
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, có mọc cả ở miền nam Trung quốc, đặc biệt vùng Quảng Tây. Hay gọi cây với tên dã cam thảo.
Tại Ấn độ, Malaixia, Thái Lan, châu Mỹ đều có.
Có thể thu hái quanh năm có khi dùng tươi, nhưng phần nhiều dùng khô: Đào toàn cây cả rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô là được.
Công dụng và liều dùng
Cam thảo nam được dùng thay cam thảo bắc để chữa sốt, chữa say sắn độc, giải độc cơ thế.
Liều dùng thường 30-100g sắc riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tại Malayxia, người dân dùng làm thuốc chữa ho
Tại đảo Angti, rễ cam thảo nam được dùng làm thuốc thu sáp, thuốc nhày để chữa bênh lậu, kinh nguyệt quá nhiều.
Tại Braxin, lấy nước ép cam thảo nam thụt chữa bệnh đi ỉa lỏng và pha uống chữa ho.
Tại Ấn Độ, cam thảo nam được dùng chữa triệu chứng axit (acidose) trong bệnh đái đường nhưng cần nghiên cứu thêm.
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi
Ý kiến của bạn